Bệnh tiểu đường ở người trẻ và những điều cần biết

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là bệnh lý mạn tính thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam sau tim mạch và ung thư. Hiện nay, bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa, có thể xảy ra ở độ tuổi 30 hoặc sớm hơn với diễn biến ngày càng khó lường. Việc nắm rõ các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh ngăn chặn được các biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng glucose huyết trong cơ thể. Nguyên nhân do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định( có lúc thiếu hoặc dư thừa). 

Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Theo hiệp hội Đái Tháo Đường Mỹ (ADA) năm 2017, tiểu đường được chia thành các loại như: type 1, type 2, tiểu đường thai kỳ và tiểu đường thứ phát. 

Thói quen ăn uống cùng với lối sống không lành mạnh đã dẫn đến bệnh tiểu đường đang ngày càng trẻ hóa. Tiểu đường ở người trẻ thường gặp ở độ tuổi dưới 30 và chủ yếu là tiểu đường type 1, type 2 và một tỉ lệ nhỏ là tiểu đường thai kỳ. 

Bệnh tiểu đường type 2 chiếm khoảng 90 – 95% trong tổng số bệnh nhân tiểu đường. Trước đây bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 40 nhưng hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25 – 30 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên.

Nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa: 

  • Di truyền, bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai

  • Lối sống ít vận động

  • Chế độ ăn uống không hợp lý, thói quen ăn đồ ăn nhanh, uống trà sữa làm tăng tích tụ mỡ, gây béo phì

  • Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá 

  • Stress, căng thẳng

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người trẻ

Liên tục khát nước và đi tiểu nhiều

Khi đường huyết tăng cao, cơ thể sẽ tự động tách phần nước trong các tế bào chuyển vào máu để làm loãng lượng đường dư. Các tế bào thiếu nước sẽ kích thích não gây ra cảm giác khát không ngừng nghỉ.

Càng khát, bạn càng uống nhiều nước dẫn đến việc đi tiểu nhiều lần. Trung bình người khỏe mạnh đi tiểu từ 6 – 7 lần/ngày.

Nếu đi tiểu vượt qua ngưỡng trung bình này và liên tục cảm thấy khát nước có thể là những triệu chứng của bệnh tiểu đường. Hai triệu chứng này luôn đi kèm với nhau, đó là cách mà cơ thể cố gắng kiểm soát lượng đường trong máu tăng cao.

Sụt cân bất thường

Triệu chứng bệnh tiểu đường này rất phổ biến ở những người trẻ tuổi. Việc có quá nhiều đường trong máu khiến người bệnh giảm 5-10kg trong vòng 2 -3 tháng. Nguyên nhân là đường glucose không vào được tế bào, vì thế cơ thể nghĩ rằng nó đang “đói” và bắt đầu phân hủy các protein, lipid để tạo năng lượng thay thế.

Đói quá mức

Thường xuyên cảm thấy đói và thèm ăn có thể là những triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường. Do lượng insulin trong cơ thể không đủ hoặc không đáp ứng với insulin nên glucose không được chuyển hóa để tạo năng lượng. Điều đó làm bạn cảm thấy đói quá mức dù đã ăn uống đầy đủ.

Mệt mỏi và khó chịu

Lượng đường trong máu cao, theo thời gian, nó làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi và người bệnh dễ dàng cáu kỉnh.

Ngứa, tê tay chân

Đường huyết cao làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, điều này khiến chân và tay bị ngứa, tê và đau rát. Khi xuất hiện những triệu chứng bất thường này, người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Giảm thị lực

Đây cũng có thể là hậu quả của việc lượng đường huyết quá cao đã phá hủy mao mạch đáy mắt, gây xuất huyết, phù nề và giảm thị lực mắt.

Biến chứng tiểu đường thường gặp ở người trẻ

  • Biến chứng về tim mạch: Khi đường huyết tăng cao, kèm theo các bệnh lý về động mạch vành và đột quỵ. Cơ thể của người bệnh có huyết áp cao, cholesterol cao cùng một số nguy cơ khác khiến biến chứng tim mạch là không thể tránh khỏi nếu không có phương pháp điều trị đúng đắn.

  • Biến chứng về thận: Người bị tiểu đường sẽ kèm theo các tổn thương mạch máu ở thận, khiến thận trở nên suy yếu.

  • Biến chứng về thần kinh: Khi các dây thần kinh khắp cơ thể tổn thương, bạn sẽ đối mặt với các vấn đề như rối loạn tiêu hóa và nhiều cơ quan chức năng khác.

  • Biến chứng về mắt: Hầu hết người mắc tiểu đường còn có các tổn thương ở mắt khiến đục thủy tinh thể, giảm thị lực và nặng hơn có thể dẫn tới mù lòa. 

Biện pháp phòng ngừa tiểu đường ở người trẻ:

  • Duy trì tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên nhằm giúp cải thiện tác dụng và chức năng của insulin.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung thêm rau xanh, củ quả và hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều đường, glucid.

  • Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày (người trưởng thành trung bình 7-9 giờ/ ngày).

  • Uống đủ ít nhất 02 lít nước lọc mỗi ngày; hạn chế tối đa sử dụng tối đa các loại đồ uống chứa nhiều đường, chất bảo quản và các thành phần gây bệnh tiểu đường khác.

  • Loại bỏ hoặc hạn chế tối đa các chất kích thích như: rượu, bia và không hút thuốc lá.

  • Khám sức khỏe định kỳ.

Tiểu đường ở người trẻ là bệnh lý khá nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh bởi những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy mọi người, đặc biệt là người trẻ ở độ tuổi dưới 30 cần đặc biệt lưu ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình, đồng thời thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.