Chăm sóc đường ruột khỏe mạnh - “chìa khóa” giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể

Đường ruột là nơi cư trú của hàng nghìn tỷ vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, theo cách tốt hoặc xấu. Một đường ruột khỏe mạnh góp phần tạo nên một cơ thể cường tráng và một hệ miễn dịch khỏe mạnh. 

Bạn có biết gần 70% khả năng miễn dịch nằm ở đường ruột? Do đó việc giữ cho đường ruột khỏe mạnh là vô cùng quan trọng bởi đây là “chìa khóa” giúp củng cố hệ miễn dịch và giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Đường ruột trong cơ thể con người là nơi “cư ngụ” của vô số các loài vi sinh vật; theo ước tính có khoảng 100 nghìn tỷ vi sinh vật với hơn 1000 loài vi khuẩn khác nhau sinh sống trong đường ruột, bao gồm cả những vi sinh vật có lợi cho sức khỏe và những vi sinh vật có hại nhưng có thể tồn tại ở mức độ thấp mà không gây nhiều tác động tiêu cực. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một cơ thể khỏe mạnh là cơ thể duy trì được hệ vi sinh đường ruột với tỉ lệ khoảng 85% lợi khuẩn và 15% nhóm vi sinh vật “gây rối”.

Sức khỏe đường ruột tốt có liên quan đến sức khỏe của tất cả các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, da và não. Một trong những lý do chính khiến sức khỏe đường ruột trở nên quan trọng là do 70% tế bào miễn dịch của cơ thể nằm dọc theo đường tiêu hóa. Vì vậy, đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp bạn ít bị ốm hơn, giảm nguy cơ dị ứng và hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Đó chính là lý do tại sao việc duy trì sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp hệ miễn dịch được khỏe mạnh.

05 cách chăm sóc đường ruột khỏe để tăng đề kháng và miễn dịch

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến sự đa dạng, thành phần của hệ vi sinh đường ruột và do đó ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch. Chính vì vậy, để tăng cường sức khỏe cho hệ vi sinh đường ruột cân bằng, hãy duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học với đa dạng các loại thực phẩm cùng 1 số lưu ý:

  • Bổ sung chất xơ vào thực đơn mỗi ngày bằng các loại thực phẩm như rau củ (nhất là rau xanh), trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Rau củ có thể chứa một số loại chất xơ mà cơ thể không thể tiêu hóa được tuy nhiên đây lại “thức ăn” của một số loài vi khuẩn trong đường ruột. 

  • Giảm lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn, đồng thời hạn chế các món ăn chứa nhiều đường và thực phẩm chế biến. 

  • Hạn chế thực phẩm từ carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng. và thay vào đó bạn nên lựa chọn thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt bởi chúng chứa nhiều chất xơ, giúp cung cấp thức ăn cho vi khuẩn đường ruột. 

  • Bổ sung đủ 02 lít nước lọc mỗi ngày và các loại đồ uống không chứa caffein. Hạn chế tối đa các loại thức uống có cồn như rượu, bia vì các loại đồ uống này có thể làm giảm sự đa dạng và số lượng các loài vi khuẩn khác nhau trong đường ruột và dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.

Tập thể dục thường xuyên

Vận động và tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để cải thiện hệ tiêu hóa. Dáng đứng thẳng và các vận động sẽ giúp thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, tập thể dục cũng kích thích cơ thể sản sinh chất kháng viêm để giảm nhẹ các chứng viêm ruột.

Bổ sung lợi khuẩn bằng men vi sinh

Muốn đường ruột khỏe thì quan trọng là hệ vi sinh đường ruột phải được giữ ở mức cân bằng. Nhưng thực tế, các vi sinh có lợi trong đường ruột rất dễ bị sụt giảm do các yếu tố như chế độ ăn không lành mạnh, căng thẳng, dùng thuốc kháng sinh và uống rượu bia nhiều.

Để tăng cường vi khuẩn có lợi trong ruột, bạn có thể bổ sung men vi sinh từ các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc lợi khuẩn từ thực phẩm lên men như dưa muối, kimchi, sữa chua, trà kombucha, tương miso… Bên cạnh đó, kẽm cũng là một khoáng chất rất quan trọng để điều tiết hệ tiêu hóa và hỗ trợ điều trị tiêu chảy, viêm đại tràng. 

Thận trọng khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh

Một số loại thuốc như kháng sinh, có thể tác động lớn đến hệ vi sinh vật đường ruột. Kháng sinh có thể “quét sạch” mọi loại vi khuẩn, mang lại hiệu quả điều trị nhưng lại “tiêu diệt” luôn cả những vi sinh vật có lợi. Do đó, bạn không nên tự ý dùng khi chưa xác định được nguyên nhân hoặc không có chỉ định chuyên môn của bác sĩ.

Hạn chế căng thẳng

Căng thẳng (stress) là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tổn hại cho hệ tiêu hóa. Khi bạn căng thẳng, hệ thần kinh sẽ tiết ra nhiều axit clohydric (Hcl) trong cơ thể - yếu tố chính gây tổn hại niêm mạc dạ dày và gây tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy các yếu tố gây căng thẳng tâm lý trong thời gian ngắn cũng có thể phá vỡ cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Duy trì và áp dụng hiệu quả các biện pháp trên để bảo vệ hệ tiêu hoá khỏe mạnh, giúp hạn chế và phòng vừa các bệnh lý về tiêu hóa thường gặp, từ đó nâng cao sức khỏe cơ thể. Khi có bất kì triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, bệnh lý dạ dày đường ruột, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm .