COVID-19 VÀ NGUYÊN NHÂN LÂY LAN NHANH CHÓNG TRÊN TOÀN CẦU

Căn bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là “đại dịch toàn cầu”, trong bối cảnh dịch bệnh đã lây lan đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 1.6 triệu người nhiễm bệnh và trên 95 nghìn người tử vong (số liệu sáng ngày 10/4/2020). Số ca nhiễm bệnh và tử vong do loại virus này vẫn đang tăng nhanh một cách đáng báo động, gây ra nhiều ổ dịch lớn ngoài Trung Quốc, có thể kể đến như Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Pháp, Anh, Iran, Hàn Quốc…

SARS-CoV-2 là gì và lây lan như thế nào?

Virus corona chủng mới, SARS-CoV-2, nhìn qua kính hiển vi điện tử

SARS-CoV-2 là một chủng mới thuộc họ Coronavirus, bắt đầu xuất hiện và lây lan từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Phân tích toàn bộ bộ gen cho thấy SARS-CoV-2 là một Betacoronavirus, trong một nhóm khác biệt với các Betacoronavirus liên quan đến hội chứng hô hấp cấp tính nặng ở người (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt bị bắn ra trong không khí khi một cá nhân bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi trong phạm vi khoảng 0,91 m đến 1,8 m. Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh. Một phát hiện của các bác sĩ ở Thẩm Quyến, Trung Quốc cho thấy sự có mặt của RNA virus SARS-CoV-2 trong phân của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Điều này đặt ra giả thuyết loại virus mới này có khả năng lây truyền qua đường tiêu hóa. Đến đầu tháng 4, bác sĩ Anthony Fauci và bác sĩ Harvey Fineberg, những chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ đưa ra cảnh báo về khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 khi người bệnh nói chuyện và thậm chí phát tán từ hơi thở thông qua các hạt aerosol siêu nhỏ trong không khí là hoàn toàn có thể xảy ra tuy chưa có các cơ sở khoa học vững chắc cho giả thuyết này.

Nghiên cứu của tác giả Qun Li và cộng sự đăng trên tạp chí NEJM ngày 29/1/2020 cho thấy hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) của virus SARS-CoV-2 là 2,2. Điều này có nghĩa là một người bị nhiễm virus có thể lây nhiễm cho trung bình 2,2 người khác. Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của virus Corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh phổi, tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.

Tại sao Covid-19 lại là mối nguy với toàn nhân loại

Các chuyên gia nhận định rằng, Covid-19 rất khó kiểm soát và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới là do khả năng lây bệnh từ người bị nhiễm chưa có biểu hiện bệnh lý (bệnh nhân không có tiền triệu chứng bệnh) và thậm chí từ những người bị nhiễm mà không có triệu chứng bệnh (bệnh nhân không có triệu chứng).

Tổng Giám đốc WHO chính thức công bố dịch bệnh COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người nhiễm bệnh có khả năng phát tán lây lan virus mạnh nhất khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày trước thời điểm các dấu hiệu đầu tiên của bệnh xuất hiện. Trong khi đó, có nhiều báo cáo chỉ ra rằng có tới trên 50% số người nhiễm bệnh không có biểu hiện bệnh lý tại thời điểm xét nghiệm (theo báo cáo của Bộ Y tế ngày 29/3 con số này lên tới 60,1% tại Việt Nam) và một tỷ lệ lớn bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng (tỷ lệ là 16% tại Hồng Kông ngày 7/4; là 18% trên tàu Prince Diamond và là 25% tại Mỹ theo TS Robert Redfield, Giám đốc CDC). Điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều trường hợp bị lây nhiễm từ những người nhiễm bệnh mà chưa có triệu chứng hoặc không có triệu chứng vì khi tiếp xúc họ hoàn toàn khỏe mạnh, họ không biết mình bị bệnh và cũng không ai nghĩ họ bị bệnh.

Một khi các ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt sẽ dễ dẫn đến quá tải hệ thống y tế và một hệ lụy tất yếu đó là tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 đang ngày càng tăng cao. Ở thời điểm SARS-CoV-2 chỉ vẫn đang “hoành hành” có giới hạn ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong do bệnh gây ra chỉ dừng lại ở mức khoảng 2%, tuy nhiên sau khi dịch lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới và lập những ổ dịch mới thì cho đến nay tỷ lệ tử vong được ghi nhận là 5.9 % (số liệu ngày 10/4/2020).

Dấu hiệu nhận biết

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh (phổ biến là 5 ngày).Tới khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

Bên cạnh những triệu chứng phổ biến kể trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, mất khả năng khứu giác và vị giác ở giai đoạn sớm của bệnh.

Làm cách nào để biết mình đã dương tính với virus hay chưa?

Trên thế giới đã ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng lại không có biểu hiện bệnh, điều này gây trở ngại rất lớn cho công tác khoanh vùng và cách ly những đối tượng nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố quan trọng để kiểm soát dịch bệnh là phát hiện sớm người nhiễm bệnh để cách ly kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng, điều này có thể thực hiện được thông qua việc tăng cường xét nghiệm Covid-19.

Có hai kỹ thuật xét nghiệm phổ biến hiện nay là Real-Time PCR (Polymerase Chain Reaction), dựa trên sự phát hiện trực tiếp RNA của virus để tìm ra người đã bị nhiễm virus; và xét nghiệm sàng lọc Covid-19 dựa trên việc tìm kháng thể với virus có trong cơ thể bệnh nhân, xét nghiệm này có thể sàng lọc ra những người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và tự khỏi hoặc những bệnh nhân Covid-19 đang trong giai đoạn sớm của bệnh, nếu cho kết quả dương tính thì người bệnh sẽ được tiếp tục thực hiện xét nghiệm PCR để khẳng định chính xác có bị nhiễm Covid-19 hay không.

Tăng cường xét nghiệm Covid-19 giúp đánh giá mức độ dịch lây lan trong cộng đồng

Như vậy, với mức độ nguy hiểm và diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, con người đã tìm ra phương pháp khống chế bệnh dịch hay chưa? Chúng ta đang làm gì để tiêu diệt virus? Mời Quý vị đón đọc phần 2 “Chúng ta có thể chống lại virus bằng cách nào”…

(còn tiếp)

Bài viết được tổng hợp bởi Bác sĩ Trần Nhật Tiến & Bác sĩ Phạm Dũng Chinh, 2 bác sĩ hiện đều đang công tác tại JVI.