Giãn phế quản và những điều cần biết

Tổn thương đường thở dẫn đến bệnh giãn phế quản là tình trạng không hiếm gặp. Căn bệnh này khá phổ biến ở người lớn tuổi nhưng triệu chứng giãn phế quản cũng có thể gặp phải ở cả trẻ em và người trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Giãn phế quản là tình trạng phế quản bị giãn rộng bất thường trong thời gian dài, dẫn đến tích tụ chất nhầy quá mức khiến phổi dễ bị nhiễm trùng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là xơ nang, thiếu hụt miễn dịch, và các nhiễm trùng tái phát, mặc dù một số trường hợp có vẻ vô căn. Giãn phế quản được chia thành: Giãn phế quản hình túi, giãn phế quản hình trụ và giãn phế quản hình tràng hạt. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng giãn phế quản có thể không xuất hiện cho đến vài tháng hoặc thậm chí là vài năm sau khi hệ hô hấp của bạn bắt đầu có vấn đề.

Giãn phế quản làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, tình trạng này khiến phế quản giãn nhiều hơn. Quá trình này cứ lặp lại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe đường hô hấp của người bệnh, bệnh càng nghiêm trọng thì điều trị càng khó khăn, khó đáp ứng. Những người thuộc nhóm đối tượng dưới đây thường có nguy cơ mắc bệnh giãn phế quản cao hơn:

  • Người mắc bệnh xơ nang

  • Người có bệnh phổi mạn tính

  • Bị nhiễm trùng phổi mạn tính hoặc nghiêm trọng, ví dụ như viêm phổi hoặc bệnh lao

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu (như người mắc bệnh AIDS)

  • Thường xuyên hít phải những thứ gây hại cho phổi như chất lỏng, axit dạ dày hoặc thức ăn

05 triệu chứng giãn phế quản thường gặp

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh giãn phế quản có thể rất khác nhau ở từng bệnh nhân. Một số người chỉ có một vài triệu chứng nhẹ và không xuất hiện thường xuyên, trong khi những người khác gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng hơn. 

Đau tức ngực và khó thở

Bệnh nhân sẽ cảm thấy bị đau tức ngực do phải thở gắng sức nhiều. Cảm giác đau ngực, khó thở, thở hụt hơi thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm.

Thở khò khè

Giãn phế quản sẽ khiến người bệnh thở khò khè trong lồng ngực, cảm giác như có tiếng huýt sáo ở trong từng hơi thở. Phổi xuất hiện những âm thanh bất thường.

Ho ra chất nhầy hoặc ho ra máu

Bệnh giãn phế quản có thể gây ho dai dẳng kéo dài, kèm theo lượng chất nhầy lớn. Cơn ho sẽ ngày càng trở nên tồi tệ, thậm chí là ho ra chất nhầy có máu hoặc ho ra máu.

Sụt cân

Trẻ em bị giãn phế quản có thể bị sụt cân hoặc phát triển với tốc độ không bình thường, với người lớn thì ăn không ngon miệng, ngủ không sâu hoặc giảm cân đột ngột.

Dày da móng tay, biến dạng móng tay

Bệnh nhân bị giãn phế quản thường ít nhận biết được triệu chứng này. Phần mô bên dưới móng tay dày lên và các đầu ngón tay trở nên tròn hơn.

Giãn phế quản không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác như nhiễm trùng phổi, phổi bị xẹp và suy hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, nếu gặp bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng giãn phế quản nghiêm trọng nào sau đây, hãy ngay lập tức đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời:

  • Ho dai dẳng, ho ra nhiều chất nhầy hoặc chất nhầy có mùi khó chịu

  • Ho ra máu

  • Đau ngực dữ dội khi ho, trầm trọng hơn khi thở (viêm màng phổi)

  • Khó thở nghiêm trọng

  • Mệt mỏi, ớn lạnh

  • Da và môi hơi xanh, tím tái

  • Sốt cao từ 38 độ C trở lên, đồng thời có nhiễm trùng kết hợp

  • Thở nhanh (hơn 25 nhịp thở/ phút) 

Điều trị và chăm sóc người bị giãn phế quản

Với bệnh giãn phế quản, hiện chưa có biện pháp điều trị triệt để, việc điều trị hiện tại chỉ nhằm mục tiêu giảm tiến triển và triệu chứng bệnh: ngăn ngừa nhiễm trùng, tránh giãn phế quản nặng hơn, điều trị giảm triệu chứng bệnh,...

Bên đó cũng cần chăm sóc và thiết lập thói quen sinh hoạt khoa học cho bệnh nhân giãn phế quản để việc điều trị đạt hiệu quả hơn. Một số thói quen sinh hoạt người bệnh cần lưu ý: giữ ấm cơ thể, tư thế ngủ phù hợp, chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các nhóm thực phẩm giúp giảm ho - nhuận phổi, loại bỏ các chất kích thích,....


Phòng ngừa giãn phế quản

Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh giãn phế quản bẩm sinh xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, để ngăn ngừa những tổn thương ở phổi, giảm nguy cơ nhiễm trùng và hạn chế các triệu chứng của bệnh giãn phế quản bạn nên lưu ý một số điều như sau:

  • Tiêm phòng vacxin chống lại các bệnh như sởi và ho gà cho trẻ em.

  • Khi gặp bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng phổi nào thì hãy đến thăm khám ngay lập tức.

  • Khi không may hít phải dị vật, hãy cấp cứu kịp thời.

  • Tránh xa các chất trong không khí có thể làm tổn thương phổi như khói bụi, hơi độc…

Việc phát hiện sớm bệnh giãn phế quản có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Khi có những dấu hiệu bất thường, người bệnh không nên chủ quan, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong những trường hợp ho khạc đờm kéo dài.