Hồng cầu và các vấn đề sức khỏe liên quan đến hồng cầu

Hồng cầu là một loại tế bào máu, chức năng chính là vận chuyển oxy. Hồng cầu có chứa Hemoglobin làm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, sau đó  nhận lại lượng khí cacbonic từ mô lên đào thải ở phổi. Đồng thời, hồng cầu có chức năng cân bằng acid base và chức năng tạo độ nhớt của máu. Có thể hiểu rằng, hồng cầu có ảnh hưởng và tác động đến hầu hết những hoạt động diễn ra trong cơ thể. 

Máu là một dạng mô lỏng và được chia thành 2 phần đó là thể hữu hình (huyết cầu) và huyết tương. Các thể hữu hình là gồm hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu. Phần huyết tương chính chiếm 55 - 57% chứa nước, protein, các chất điện giải, các hợp chất hữu cơ và các sản phẩm chuyển hóa,...

Hồng cầu là một trong những thành phần quan trọng trong máu, chiếm đến 40 - 45% thể tích của máu. Chỉ cần 2 hoặc 3 giọt máu có thể chứa đến khoảng 1 tỷ tế bào hồng cầu. Ngoài hồng cầu, máu còn chứa 2 loại tế bào khác là bạch cầu và tiểu cầu cùng với huyết tương.

Hồng cầu liên tục được sản xuất trong tủy xương nhưng việc sản xuất hồng cầu lại được kiểm soát bởi erythropoietin – hormone được sản xuất chủ yếu bởi thận. Cơ thể người trưởng thành trung bình sản xuất 2-3 triệu hồng cầu mỗi giây, tương đương với khoảng 200 tỷ tế bào hồng cầu mỗi ngày. Để một tế bào hồng cầu trưởng thành và giải phóng vào máu cần 7 ngày. Các tế bào hồng cầu có đường kính khoảng 6 micromet, lớn hơn tiểu cầu và nhỏ hơn bạch cầu. Hình dạng của tế bào hồng cầu là một đĩa dẹt có hai mặt lõm tại tâm.

Chức năng của hồng cầu là giúp vận chuyển oxy (O2) từ phổi đến các mô trên khắp cơ thể và sau đó trả lại khí carbon dioxide (CO2) từ các mô này về phổi, để loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng cách thở ra. Chức năng của hồng cầu có đảm bảo được nhu cầu trao đổi khí của cơ thể hay không còn liên quan mật thiết đến số lượng hồng cầu khỏe mạnh trong cơ thể. Phụ nữ thường có số lượng hồng cầu thấp hơn nam giới và nồng độ hồng cầu có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.

Các vấn đề sức khỏe liên quan đến hồng cầu 

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hồng cầu đối với các hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng số lượng hồng cầu trong máu quá cao hoặc quá thấp, cơ thể chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. 

Số lượng tế bào hồng cầu thấp thường là do bệnh thiếu máu. Đây là tình trạng có quá ít tế bào hồng cầu đủ khỏe mạnh để mang đủ oxy đi khắp cơ thể. Những người bị thiếu máu có thể có các tế bào hồng cầu có hình dạng, kích thước hoặc cấu trúc bất thường; hồng cầu không sản xuất đủ hoặc bị tiêu hủy nhanh chóng. Số lượng hồng cầu cũng có thể bị giảm do tác dụng phụ của một số loại thuốc nhất định hoặc do thiếu hụt chất dinh dưỡng (sắt, đồng, vitamin B6, vitamin B12 hoặc folate).

Các triệu chứng của thiếu máu thường gặp là mệt mỏi, nhịp tim nhanh, da nhợt nhạt, cảm thấy lạnh và trong trường hợp nghiêm trọng là suy tim. Trẻ em nếu không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh sẽ tăng trưởng và phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Những triệu chứng này cho thấy tầm quan trọng và chức năng của hồng cầu đối với cơ thể người. 

 

Chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô khắp cơ thể, do đó số lượng hồng cầu tự do cao có thể là do sự cung cấp oxy bị kém hoặc do ảnh hưởng trực tiếp của một số bệnh lý làm tăng sản xuất hồng cầu.

Mặc dù không phổ biến nhưng tăng tế bào hồng cầu có thể do một số tình trạng sức khỏe như: Suy tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh đa hồng cầu, nồng độ oxy trong máu thấp, phơi nhiễm carbon monoxide... Khi bị tăng hồng cầu trong máu, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như: 

  • Thường xuyên có cảm giác nhức đầu, chóng mặt.

  • Thường xuyên đau bụng.

  • Đau viêm các dây thần kinh.

  • Khi trời lạnh, da mặt, da cổ, môi của người bệnh thường có màu xanh tím, hoặc đỏ hơn bình thường. 

  • Lách to và cứng nhẵn. 

  • Khi hồng cầu tăng, dẫn đến tình trạng nghẽn mạch máu và tăng áp lực tâm thu gây ra tình trạng phì đại tim và hiện tượng gan to.

Để xác định lượng hồng cầu bất thường hay không, bên cạnh việc xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm những xét nghiệm bổ sung, cần thiết khác để có chẩn đoán chính xác về bệnh cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học đầy đủ nhóm vitamin, khoáng chất để sản xuất đủ số lượng và tối ưu chức năng của hồng cầu thì việc việc xây dựng lối sống với những thói quen sinh hoạt khoa học, lành mạnh sẽ góp phần giúp cho quá trình chuyển hóa và tạo máu của cơ thể dễ dàng hơn, giúp cải thiện tình trạng tốt hơn. Việc phát hiện sớm các triệu chứng bệnh lý hồng cầu cũng như khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bác sĩ cho bạn những lời khuyên hữu ích để dự phòng sớm bệnh hồng cầu nói riêng và bệnh lý khác của cơ thể nói chung .