Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal stem cell- MSCs) là những tế bào gốc trưởng thành đa năng, có khả năng tự tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào thuộc mô liên kết như mỡ, xương, sụn và các loại tế bào khác như tế bào thần kinh, gan, tụy, thận...
Trên cơ thể con người, tế bào gốc trung mô có thể tìm được ở nhiều cơ quan nhưng nhiều nhất là ở tủy xương, mô mỡ, và dây rốn. Các loại tế bào gốc này đã được nghiên cứu và ứng dụng để điều trị/ hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp, bại não, phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, trẻ hoá da mặt,… Nhờ đặc tính điều hòa miễn dịch (giảm viêm, giảm kích thích hệ miễn dịch tại các vùng viêm, ức chế tế bào miễn dịch…) và khả năng tiết ra các chất kích thích tăng trưởng mà các tế bào gốc trung mô được xem là liệu pháp an toàn và hiệu quả khi cấy ghép vào cơ thể người.
Trong một nghiên cứu được công bố trên trang BMC Molecular and Cell Biology vào năm 2006, các nhà khoa học Iran đã chứng minh các tế bào gốc trung mô sẽ bị lão hóa khi nuôi cấy lâu dài trong môi trường thí nghiệm.
Theo nội dung nghiên cứu được công bố, thời gian nuôi cấy dài hạn quần thể tế bào gốc trung bình của nghiên cứu là 118 ngày và số lần cấy chuyển (passage number) trung bình là 9. Kết quả ghi nhận được: Số lần nhân đôi trung bình của quần thể tế bào gốc giảm từ 7,7 xuống 1,2 trong lần cấy chuyển thứ 10 (10th passage). Chiều dài trung bình của telomere giảm từ 9,19 kbp xuống 8,7 kbp ở lần cấy chuyển thứ 9 (9th passage). Tiềm năng biệt hóa của tế bào gốc giảm từ lần cấy chuyển thứ 6 (6th passage) trở đi. Các bất thường về hình thái của môi trường nuôi cấy là điển hình của mô hình Hayflick về lão hóa tế bào.
Về số lượng, khả năng tạo ra các tế bào gốc trung mô mới từ nguồn tế bào gốc ban đầu sẽ tỉ lệ nghịch với số lần cấy chuyển. Nói cách khác, khi trải qua nhiều lần cấy chuyển (theo kết quả nghiên cứu vừa được dẫn chứng ở trên), cụ thể là từ lần cấy chuyển thứ 10, khả năng tăng sinh về số lượng của tế bào gốc trung mô sẽ giảm dần.
Về chất lượng, quá trình lão hóa tế bào và tiềm năng biệt hóa (thành các dạng tế bào khác) của tế bào gốc trung mô cũng sẽ bị suy giảm khi được nuôi cấy quá lâu trong phòng thí nghiệm.
Bên cạnh đó, khi nuôi cấy quá lâu trong phòng thí nghiệm, tiềm năng biệt hóa của tế bào gốc sẽ suy giảm, điều này trở thành một hạn chế khi ứng dụng tế bào gốc vào điều trị, vì tế bào không còn khả năng biệt hóa thì việc cấy ghép xem như vô nghĩa.
Có thể kết luận rằng: Khả năng tăng sinh của tế bào gốc là hữu hạn bởi chất lượng và số lượng tế bào gốc sẽ suy giảm khi nuôi cấy trong môi trường thí nghiệm. Vì vậy, khi sử dụng tế bào gốc trung mô được tăng sinh cần phải đặc biệt chú ý đến quá trình nuôi cấy để đảm bảo nguồn tế bào được cấy ghép vào cơ thể là nguồn tế bào khỏe mạnh, còn đầy đủ chất lượng với số lượng mà phác đồ điều trị yêu cầu.