Kiểm soát mỡ máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch

Máu nhiễm mỡ hay còn gọi là mỡ máu cao, rối loạn lipid máu là do một số thành phần mỡ trong máu vượt quá chỉ số bình thường. Khi bị mỡ máu tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và có nguy cơ cao gây ra các bệnh về tim mạch. Vì vậy, cần có các biện pháp kiểm soát chỉ số mỡ máu hiệu quả để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng.

Mỡ máu cao là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid, khiến lượng mỡ trong máu cao hơn ngưỡng cho phép. Hiện nay, bệnh không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi do chức năng tạng phủ suy giảm, mà ngày càng có xu hướng trẻ hóa do chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít vận động, căng thẳng, stress…

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc máu nhiễm mỡ ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44. Đáng lo ngại, mỡ máu cao diễn biến âm thầm, các triệu chứng khá mơ hồ dễ khiến người mắc chủ quan. Trên thực tế, có đến 71% trường hợp không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám sức khỏe tổng quát. Đặc biệt, đa số người bệnh không ý thức được mối nguy hại do mỡ máu cao gây ra.

Nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao do mỡ máu

Ở người bệnh máu nhiễm mỡ, khi lượng mỡ xấu trong máu tăng cao, đặc biệt là LDL-Cholesterol và Triglycerid lắng đọng, tạo thành các mảng xơ vữa làm hẹp lòng mạch. Điều này cản trở dòng máu lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể, gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, tê bì chân tay... Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tăng huyết áp và bệnh tiểu đường type 2.

Bên cạnh đó, xơ vữa động mạch làm cản trở dòng máu nuôi tim gây thiếu máu cơ tim cục bộ và lâu ngày có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim. Đồng thời, khi mảng xơ vữa bong ra, hình thành các cục máu đông, di chuyển theo dòng chảy của máu, có nguy cơ gây tắc nghẽn các động mạch nhỏ, dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ). Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể để lại các di chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. 

Thực tế cho thấy, khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu. Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm nước ta có gần 200.000 người bị đột quỵ do biến chứng mỡ máu cao gây ra. Những người rối loạn mỡ máu cũng có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ - nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, viêm gan, ung thư gan…

Biện pháp giúp kiểm soát mỡ máu

Để kiểm soát tốt chỉ số mỡ máu, bên cạnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, nhiều người có xu hướng kết hợp sử dụng nhiều biện pháp như lọc máu hoặc kết hợp sử dụng sản phẩm thảo dược bởi tính an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, 1 số biện pháp dưới đây giúp giúp kiểm soát mỡ máu mà bạn có thể thực hiện hàng ngày.

Bổ sung các thực phẩm tốt cho tim mạch

Giảm mỡ máu bằng cách thay đổi chế độ ăn không chỉ giúp giảm mỡ máu mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn nên duy trì chế độ có các thực phẩm chứa nhiều kali, canxi và chất xơ, hạn chế natri, đường, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa:

  • Giảm các thực phẩm chứa chất béo bão hòa trong chế độ ăn

  • Hạn chế hoặc giảm các thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa như bơ thực vật, bánh quy và bánh ngọt.

  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu Omega-3.

Tăng cường tập thể dục thể thao

Tập thể dục đều đặn, hợp lý có thể giúp kiểm soát mỡ máu và giữ cân nặng luôn ổn định. Tập thể dục có thể làm tăng HDL cholesterol và loại bỏ LDL cholesterol ra khỏi máu. Để giữ mỡ máu ở mức ổn định, bạn nên tập ít nhất 30 phút trong 5 ngày mỗi tuần với các bài tập như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đi xe đạp.

Giảm cân

Thừa cân có thể góp phần làm tăng cholesterol trong máu. Do đó, nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp giảm mức LDL cholesterol và triglyceride, đồng thời làm tăng HDL cholesterol.

Hạn chế đồ uống có cồn và bỏ thuốc lá

Đồ uống có cồn có thể khiến mức triglyceride cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Uống quá nhiều rượu cũng làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến béo phì – đây là hai yếu tố gây ra bệnh tim vì vậy việc hạn chế đồ uống có cồn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Nicotin và các hóa chất khác có trong thuốc lá có thể làm giảm mức HDL cholesterol và làm tăng tốc độ hình thành mảng bám trong động mạch. Do đó, cục máu đông dễ hình thành hơn, làm tăng nguy cơ xảy ra đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Từ bỏ hút thuốc lá là biện pháp nhanh nhất giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và mạch máu.

Đối với một số trường hợp, thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng hoặc việc thay đổi lối sống không giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả thì người bệnh cần phải dùng thuốc. Bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định một loại thuốc giúp giảm mỡ máu, trong đó phổ biến nhất là nhóm thuốc statin. Biến chứng tai biến do mỡ máu cao thường không có bất kỳ một dấu hiệu báo trước nào. Quá trình phát triển máu nhiễm mỡ rất âm thầm, trong khi cơn tai biến lại xảy đến rất nhanh và bất ngờ. Vì vậy, người bị mỡ máu cao cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đồng thời kết hợp nhiều cách làm giảm mỡ máu để tránh những di chứng khó lường.