Phòng ngừa Amidan khi thời tiết giao mùa

Viêm amidan là một bệnh lý tai mũi họng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn. Viêm amidan tái phát thường xuyên sẽ chuyển biến thành viêm amidan mạn tính. Các yếu tố bất lợi từ thời tiết khi giao mùa hay viêm nhiễm là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Viêm amidan là tình trạng tuyến amidan vòm họng bị tổn thương do vi khuẩn hoặc virus, thường gặp vào thời điểm thay đổi thời tiết, giao mùa hoặc khi cơ thể và vùng cổ họng không được giữ ấm tốt. Có 02 thể viêm amidan thường gặp bao gồm viêm Amidan cấp tính và viêm Amidan mạn tính. Viêm amidan cấp tính nếu không điều trị tốt sẽ gây tổn thương tổ chức mô xung quanh, dễ tái phát viêm nhiều lần và chuyển thành viêm amidan mạn tính.

Các triệu chứng viêm Amidan thường gặp

Viêm Amidan cấp tính là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng như: 

  • Sốt cao đột ngột là triệu chứng khởi phát đầu tiên, sau đó sẽ kéo theo tình trạng chán ăn, đau mỏi người như các bệnh nhiễm trùng khác.

  • Tổn thương amidan gây đau rát họng, đặc biệt khi ăn uống hoặc nuốt nước bọt.

  • Amidan bị sưng viêm, có thể chèn ép các tổ chức trong vòm họng gây khó nuốt, khàn giọng, mất giọng, ngáy to,…

  • Người bệnh còn có triệu chứng tương tự như cảm cúm như: chảy nước mũi, đau đầu sổ mũi, ngạt mũi,… 

Viêm Amidan mạn tính thường gặp ở người bị viêm Amidan cấp tính nhiều lần do không điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Đối tượng thường gặp là người lớn tuổi, người trưởng thành. Bệnh lý này được chia thành 3 dạng theo tổn thương gồm: viêm Amidan hốc mủ, viêm Amidan quá phát và viêm Amidan thể xơ teo. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Sốt cao kéo dài, cơ thể mệt mỏi, mất sức.

  • Đau họng, khàn giọng hoặc mất tiếng trong thời gian đầu, giọng nói thay đổi.

  • Cảm giác nuốt vướng, nuốt đau, có dị vật vùng cổ họng.

  • Hơi thở hôi do mủ viêm amidan.

  • Ho đi kèm với khạc đờm, trong đờm có thể lẫn cả mủ, máu hay tổ chức amidan hoại tử.

Cần cẩn thận với đợt viêm cấp của viêm amidan mạn tính gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng như: Sốt cao kèm co giật, mất nước nặng gây trụy tim mạch, hình thành áp xe họng biến chứng nhiễm khuẩn tai mũi họng cấp, nhiễm khuẩn toàn thân, sốc,…

Nguyên nhân gây viêm Amidan

Viêm amidan do virus

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm Amidan. Trong đó các virus gây ra cảm lạnh thường là nguồn gốc của viêm Amidan; tuy nhiên một số loại  virus khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới viêm Amidan như: rhinovirus, virus Epstein-Barr, viêm gan A, HIV.  Nếu bị viêm amidan do virus, các triệu chứng thường là ho hoặc nghẹt mũi.

Viêm amidan do vi khuẩn

Vi khuẩn là nguyên nhân chiếm 15-30% các trường hợp viêm Amidan và thường là vi khuẩn Strep gây ra viêm họng. Viêm amidan do vi khuẩn hay gặp ở trẻ em từ 5-15 tuổi. Bên cạnh thuốc kháng sinh, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp tự điều trị tương tự như viêm amidan do virus. 

Phòng ngừa viêm Amidan khi thời tiết giao mùa

Thời tiết những ngày gần đây đang chuyển từ mùa hạ sang mùa thu và đây cũng là điều kiện thuận lợi gây cho virus, vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Để phòng ngừa viêm Amidan trong thời điểm này, bạn nên thực hiện đầy đủ các biện pháp dưới đây:

  • Súc miệng bằng nước muối 02 lần/ngày và vệ sinh răng miệng đầy đủ, sạch sẽ nhằm hạn chế sự sinh sôi và gây bệnh của vi khuẩn vòm họng.

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung nhiều nước và vitamin C cùng các khoáng chất thiết yếu để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Uống nước ấm sẽ giúp làm dịu vùng cổ họng, đồng thời ngăn ngừa viêm amidan tái phát hiệu quả.

  • Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và họng.

  • Hạn chế tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm.

  • Loại bỏ các thói quen xấu như: hút thuốc lá, rượu bia hay uống nước đá,...

Khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau họng hay Amidan bị sưng,... cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.