Viêm họng hạt và những triệu chứng cần lưu ý

Viêm họng hạt là một thể bệnh của Viêm họng mạn tính, đây là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, đặc biệt là những đối tượng có cơ địa yếu. Trong số những người mắc phải các vấn đề viêm họng thì có đến gần một nửa bị viêm họng hạt. 

Viêm họng hạt là tình trạng niêm mạc họng bị viêm mạn tính, khiến các mô lympho thành sau họng sưng lên, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở niêm mạc họng. Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau, từ bằng đầu đinh ghim đến hạt đậu. Viêm họng hạt xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến ở những người có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược.

Khi quan sát trong cổ họng, có thể thấy một triệu chứng viêm họng hạt đặc trưng là những hạt màu đỏ hoặc hồng. Viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Sự tấn công của các tác nhân gây hại: Khoang miệng là nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tấn công, gây viêm nhiễm. Thông thường, virus sẽ tấn công trước, sau đó vi khuẩn và nấm tiếp tục xâm nhập theo, gây bội nhiễm. Điều này khiến các tế bào lympho tại vùng họng phải làm việc liên tục, quá tải và sưng to.

  • Biến chứng bệnh lý: Viêm họng hạt có thể là biến chứng của viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng cấp tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn tính hoặc các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược họng thanh quản…

  • Bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi xoang: polyp mũi, lệch vẹo vách ngăn .

  • Môi trường sống ô nhiễm: Việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi, khói thuốc lá… hoặc thời tiết thất thường cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm họng hạt.

  • Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng, vệ sinh răng miệng kém… cũng góp phần kích thích cổ họng và tạo điều kiện để các tác nhân xấu xâm nhập, gây viêm nhiễm.

  • Yếu tố cơ địa, di truyền: các yếu tố cơ địa nhạy cảm, một số bệnh di truyền, miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt.

Các triệu chứng viêm họng hạt thường gặp

Đau, ngứa rát họng

Đau họng là một trong những triệu chứng của viêm họng hạt rất phổ biến và dễ nhận biết nhất. Những cơn đau này thường dữ dội hoặc kéo dài trong nhiều tuần liền. Kèm theo đó là cảm giác thường xuyên bị vướng, nghẹn ở cổ họng. Các cơn đau họng còn trở nặng hơn khi người bệnh nuốt thức ăn hoặc nói chuyện. Ngoài ra còn có một dấu hiệu nhận biết viêm họng hạt khác là ngứa, rát họng.

Ho

Ho là triệu chứng viêm họng hạt điển hình. Đây là phản ứng của cổ họng khi bị kích ứng hoặc để đẩy đờm và dị vật ra khỏi cổ họng. Cơn ho dai dẳng, ho khan hoặc họ có đờm đặc. Một trong những biểu hiện của viêm họng hạt là thường xuyên ho vào ban đêm. Chính vì thế mà bệnh lý này cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Sốt cao

Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang tăng cường hoạt động để chống đỡ những đợt tấn công từ mầm bệnh. Tuy nhiên, sốt cao không phải triệu chứng viêm họng hạt điển hình, vì nó có thể xuất hiện trong bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào. Ngoài ra, ở đối tượng trẻ nhỏ, người có cơ địa dị ứng, hay người có sức đề kháng yếu thì bệnh còn gây mệt mỏi, tạo cảm giác chán ăn hoặc suy nhược cơ thể.

Các bộ phận trong hầu họng sưng lên

Các bộ phận và tuyến ở vùng hầu họng sưng, đỏ, đau, bao gồm cả amidan. Bạn có thể thấy amidan bị bao phủ bởi lớp màng trắng hoặc mủ.

Dễ bị khàn giọng

Khi bị viêm họng hạt, quanh vòm họng thường bị ứ đọng bởi đờm và gây vướng. Cùng với đó, những bộ phận trong cổ họng sưng lên khiến cho người bệnh dễ bị khàn giọng, giọng nói bị rè, không trong trẻo như trước .

Ngoài các triệu chứng viêm họng hạt chính trên thì còn một số dấu hiệu khác như: sổ mũi, hắt xì, đau nhức cơ thể, buồn nôn...

Viêm họng hạt là bệnh lý về đường hô hấp tương đối phổ biến ở người trưởng thành. Tuy không quá nguy hiểm nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị triệt để. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển nặng, chẳng hạn như viêm họng hạt có mủ. Bệnh lý này có thể kéo dài dai dẳng cũng như dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi và có thể dẫn đến những biến chứng như: tác động xấu đến chất lượng sống, có thể kể đến như hôi miệng, hay ho và ứ đọng đờm làm cản trở việc giao tiếp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản hoặc viêm khí phế quản, gây chán ăn, mệt mỏi ở người cao tuổi....

Một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm họng hạt:

  • Vệ sinh đường hô hấp trên hằng ngày như: Vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

  • Điều trị dứt điểm bệnh viêm họng ban đầu, khi chưa quá nặng, không để bệnh trở thành mạn tính.

  • Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và tránh những nơi có không khí ô nhiễm, độc hại.

  • Giữ ấm cổ và cơ thể, hạn chế ăn kem, uống nước đá lạnh, bia rượu…

  • Nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất, tập thể dục hàng ngày.

  • Cần thăm khám bác sĩ khi phát hiện dấu hiệu bệnh viêm họng hạt để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và chỉ định điều trị phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh dai dẳng, khó chữa dứt điểm.

Ngay khi phát hiện dấu hiệu mắc viêm họng hạt, cần thăm khám bác sĩ  để xác định kịp thời nguyên nhân gây bệnh và được chỉ định điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng thuốc và điều trị tại nhà sẽ khiến bệnh dai dẳng, khó chữa dứt điểm.