Đối với nhiều nhà kinh doanh trên thế giới, khi làm ăn với các doanh nhân Nhật họ luôn cảm nhận văn hóa kinh doanh của người Nhật khá cứng nhắc và nghi thức. Tuy nhiên, đằng sau những cảm nhận ban đầu đó là một lối làm việc năng động và vô cùng hiệu quả, thậm chí có rất nhiều thứ đáng để học hỏi.
1. Các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp lớn thường có câu nói: “Rất vui đón tiếp các doanh nghiệp Nhật, các ông cứ đặt hàng đi rồi chúng tôi sẽ đầu tư thiết bị, máy móc, hạ tầng… Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn của Nhật”. Trước đề nghị đó, phần lớn các doanh nghiệp Nhật thường trả lời rằng: “Cảm ơn các ông đã có nhiệt tình như vậy, nhưng điềuquan trọng là chúng tôi muốn xem các sản phẩm của các ông làm ra, nếu sản phẩm đạt chất lượng thì chúng tôi sẽ đặt hàng”.
2. Qua câu chuyện trên rõ ràng, văn hóa kinh doanh đang có sự khác biệt khá lớn theo kiểu “con gà hay quả trứng”. Tức là cái gì có trước, cái gì có sau? Phía doanh nghiệp Nhật thì muốn Việt Nam phải sẵn sàng chuẩn bị sản xuất các sản phẩm tốt theo tiêu chuẩn Nhật Bản thì họ mới mua hàng. Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam lại có ý có thể các mặt hàng của mình chưa đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản. Nhưng nếu phía Nhật đặt hàng thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đầu tư sản xuất được.
3. Dẫu vẫn còn những khác biệt về mặt văn hóa kinh doanh như vậy, nhưng nhìn chung người Nhật Bản vẫn có thiện cảm với người Việt, các doanh nghiệp Nhật cũng đánh giá cao thị trường Việt Nam. Hiện nay, họ đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và phù hợp với doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, khi Thủ tướng Shinzo Abe nên nắm quyền có học thuyết Abenomics, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng ra thị trường nước ngoài. Theo thống kê của Phòng Thương mại Nhật Bản (JCCI), có tới 50% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật muốn ra nước ngoài thường nhắm tới Việt Nam là điểm đến đầu tiên, tiếp đó mới đến Myanmar và các nước Đông Nam Á khác. Rõ ràng, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng, khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Việt Nam, chắc chắn họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn về văn hóa, luật pháp, thể chế, ngôn ngữ… Nên nhớ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản có sự khác biệt khá lớn với các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài, thường đã có cơ sở, văn phòng đại diện ở nước sở tại rồi nên các thông tin có được tương đối nhiều. Nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa họ không có điều kiện như vậy, ngay cả việc tuyển dụng nhân công cũng ít chỉ 5- 10 người, ngôn ngữ khó khăn vì không thể thuê người phiên dịch tiếng Nhật thường xuyên. Trong khi đó, họ cũng chỉ thuê được các khu đất nhỏ vài trăm mét… Đó là sự khác biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản.
4. Được xem là một “cầu nối” trong các thương vụ kinh doanh và kết nối văn hóa kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản, hiện cả 34 thành viên của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực cho mục tiêu này. Thời gian tới ngoài việc trao đổi giữa cấp Chính phủ và các Bộ, ngành, phía Nhật Bản chúng tôi đã làm việc với JCCI và một số cơ quan của Nhật Bản để đẩy mạnh các hoạt động giao lưu kết nối trực tiếp. Tôi cho rằng, đây là việc rất quan trọng bởi đôi khi giữa Chính phủ và doanh nghiệp đối thoại chỉ mang tính giữa một đơn vị quản lý và một đơn vị kinh doanh sẽ vẫn có những điểm “vênh”. Chẳng hạn, khi một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam làm việc với các Bộ, ngành của Việt Nam, đây là việc làm cần thiết nhưng điều quan trọng là phải tổ chức các đoàn doanh nghiệp này đến thăm quan thực tế các doanh nghiệp Việt Nam, khi đó cơ hội bắt tay với doanh nghiệp Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.
5. Hiện Nhật Bản đang chuẩn bị cho tiến trình này sau khi TPP được thông qua. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản. Để tận dụng được những cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy hợp tác như câu chuyện “con gà, quả trứng” đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, ở góc độ của mình Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật đang có ý tưởng thành lập trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt các hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam để quảng bá.
Đinh Ngọc Hải
Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản